Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Chọn nội thất theo chất liệu

Thật khó để nói ngay nên chọn đồ sắt hay đồ gỗ, bởi chất liệu chỉ là một yếu tố tạo thành của đồ nội thất. Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải bắt đầu từ những điều tương đối căn bản.




Chất liệu tạo nên đồ nội thất gồm mấy nhóm chính như sau: gỗ, mây tre và các chất liệu nguồn gốc tự nhiên; kim loại; nhựa và cuối cùng là tổng hợp của các chất liệu đó.



Thế mạnh của từng chất liệu







Gỗ, mây tre là chất liệu tự nhiên mang lại sự gần gũi, ấm áp. Các nhà sản xuất sử dụng gỗ tới 50% khối lượng sản phẩm. Một thời gian dài ở nước ta, gỗ là sản phẩm gần như độc tôn. Người ta say sưa nói về gỗ lát hoa, mun đen… như một sự sang trọng đặc biệt, thậm chí tạo nên sự phân chia đẳng cấp. Một người bạn tôi từng du học ở nước ngoài kể, có lần cô bạn người Đức mời anh về nhà để khoe một cái tủ. Lúc nhìn cái tủ bình thường, anh bạn hỏi có gì đáng khoe thì cô bạn người Đức hào hứng: “Cả cái tủ này bằng gỗ thật đấy”!



Chính vì sự gần gũi, vì quan điểm sang trọng đó mà khi gỗ tự nhiên khan hiếm, dù phải làm gỗ nhân tạo thì họ vẫn tận dụng tính tự nhiên của gỗ. Với gỗ nhân tạo MDF, nhà sản xuất dùng bột gỗ để làm nguyên liệu chính thì vẫn lấy gỗ tự nhiên lạng ra thành tấm mỏng để dát bên ngoài, tạo cảm giác như gỗ thật. Người ta quý gỗ đến độ, khi làm sàn bằng gỗ nhân tạo khắc phục được các nhược điểm của gỗ tự nhiên như cong, vênh, nứt… thì vẫn mang tiếng là gỗ… giả.



Với kim loại, lúc đầu người ta nghĩ rằng khó sử dụng làm nội thất, nhưng rồi đặc tính chịu lực tốt, khả năng uốn cong phong phú khiến các nhà thiết kế thú vị với chất liệu này. Bàn ghế, nội thất bằng kim loại thanh mảnh mà vẫn chịu lực được, có thể dễ dàng uốn tạo nét độc đáo. Đó là những ưu điểm của đồ nội thất kim loại mà chất liệu khác không có được. Chính vì vậy, kim loại “tấn công” vào nội thất cũng không có gì là lạ.



Nhóm thứ ba là đồ nhựa, chất dẻo. Đây là loại sản phẩm mang rõ nét công nghiệp hoá nhất. Các nhà thiết kế rất thích chất liệu này vì nó không gò bó trong kết cấu phức tạp như gỗ, trong những mối liên kết hàn đục như kim loại. Với nhựa, chất dẻo, nhà thiết kế có thể sáng tạo thoải mái, tạo ra nhiều kiểu dáng mới. Sự phong phú về màu sắc cũng là thế mạnh của chất liệu này.



Nhưng phải nhìn nhận rằng, những điều ấy vẫn chưa thay thế được cảm giác nơi người dùng là chất liệu nhựa, chất dẻo không mang đến sự mộc mạc, gần gũi. Trong giáo trình của chúng tôi ở trường kiến trúc có nêu một thí nghiệm nghiên cứu: người ta chọn những người tương đương nhau về kích thước, cùng làm chung một công việc và cho ngồi trên những chiếc ghế với kiểu dáng, kích thước như nhau bằng các chất liệu khác nhau. Kết quả, người mỏi mệt đứng lên đầu tiên là người ngồi ở ghế nhựa rồi đến kim loại, gỗ, mây tre. Điều này chứng tỏ rằng cái gì gần gũi với thiên nhiên vẫn dễ được chấp nhận hơn.



Nhóm thứ tư đang ngày càng phát triển là sử dụng tổng hợp các chất liệu trên. Về lý thuyết, có thể thấy là chất liệu tổng hợp tập hợp được các ưu điểm và khắc phục nhược điểm của từng chất liệu. Ví dụ, trước kia ta dùng sập gụ tủ chè bằng gỗ thì nay thêm vào gỗ có đệm mút êm ái. Ví dụ kết hợp chất liệu kim loại và thuỷ tinh, nhựa và kim loại có thể tạo ra những bộ bàn ăn sang trọng, hợp vệ sinh. Song nói như vậy không có nghĩa là đồ nội thất tổng hợp chất liệu có thể thay thế hoàn toàn các đồ nội thất nêu trên.



Chọn nội thất theo không gian sử dụng





Bởi vì một yếu tố quan trọng cho việc chọn nội thất theo chất liệu là bạn mua đồ nội thất đó cho không gian nào, sử dụng vào mục đích gì ?







Ví dụ như với không gian phòng ngủ thì giường, tủ, đôn, ghế lại nên thiên về gỗ vì phòng ngủ đòi hỏi sự ấm cúng, gẫn gũi với con người. Nhưng với phòng ăn, bếp người ta có thể thiên về chọn đồ kim loại kết hợp với nhựa, kim loại với thuỷ tinh vì nó tạo ra sự sang trọng, tiện dụng trong sử dụng.



Đối với phòng khách, đây là nơi quan trọng vì qua phòng khách, người ta có thể nhận ra cá tính của chủ nhà. Chính vì vậy, phòng khách là nơi có thể dùng những món đồ có giá trị cao, mang tính sang trọng như gỗ thật, da thật, thảm loại quý…



Đó là xu hướng chung khi chọn chất liệu cho không gian. Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ chất liệu.



Có lần, một người quen của tôi nhờ tôi đưa đi mua một bộ bàn ghế. Chúng tôi vào một siêu thị nội thất, người quen của tôi gần như bị hút hồn bởi một bộ xa lông gỗ. Xác định là đủ tiền, anh ấy hỏi tôi có nên mua không. Quan sát kỹ bộ xa lông, tôi bảo anh bạn thử ngồi thật thoải mái trên ghế xem sao. Anh bạn ngồi vào và thấy chỉ sau một lúc, người cứ như bị trôi, phải đổi tư thế. Anh hỏi tại sao, tôi mới giải thích hai nguyên nhân: thứ nhất, tỷ lệ kích thước chưa thật phù hợp với người; thứ hai, mặt gỗ được sơn bóng bằng sơn PU, trông rất bóng, đẹp nhưng ngồi rất trơn. Sau khi nghe giải thích, anh bạn quyết định không mua bộ xa lông đó. Tôi kể chuyện này để nói rằng, đừng bao giờ phụ thuộc vào cảm giác choáng ngợp. Hãy thử xem món đồ đó có thật phù hợp với mình hay không? Những gợi ý về chất liệu cho không gian mới chỉ là… gợi ý.



“Cái tôi” của tôi ở đâu









Một người quen của tôi đi mua tủ về. Anh ta rất hài lòng. Người nhà cũng hài lòng. Đến lúc có khách đến chơi chỉ cái tủ nói: “Có phải cái này giá 6 triệu bán ở quận 1?”, anh bạn thừa nhận là đúng và từ đó mất hẳn hứng thú về cái tủ. Anh bày tỏ ý muốn đặt thiết kế riêng đồ nội thất để nó có “cái tôi” ở trong đó, không lầm với đồ sản xuất hàng loạt. Tôi khuyên, nếu chưa xác định được mình muốn cái gì mà chỉ muốn trưng bày ra cái “không đụng hàng” thì chưa nên đi đặt thiết kế vì anh sẽ sa vào “trận đồ” của kiểu dáng, chất liệu, kích thước mà có khi không tìm được lối ra.



Thực ra không phải cứ đặt đóng là tìm được món đồ mang “cái tôi” của mình, còn đi mua đồ làm sẵn hàng loạt thì không thể hiện được “cái tôi”. Khi mua đồ làm sẵn, nếu để ý kỹ vẫn có thể tìm ra được “cái tôi” phù hợp với mình. Nhiều nhà sản xuất vẫn để trống chi tiết cho khách hàng tự thể hiện. Ví dụ như bộ tủ có thể để khách tự chọn tay cầm, khoá, gương… Bộ xa lông có thể để khách tư chọn gối, bàn đi kèm…



Người ta hay so sánh phong cách nội thất với thời trang và tôi thấy sự so sánh ấy rất đúng ở góc độ mua sắm và sử dụng. Chất liệu jean có thể hợp với người này và không hợp với người kia. Với một người, jean có thể hợp khi đi chơi nhưng không hợp khi đi dự tiệc.



Nội thất cũng như vậy. Chất liệu chỉ là một trong các yếu tố để quyết định. Cần phải xem xét tổng thể trên nhiều khía cạnh như kiến trúc từng không gian, sở thích, cá tính của người dùng. Mà điều này thì không thể nói hết trong phạm vi một bài báo. Hẹn gặp các bạn trong kỳ sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét